Số lượng trứng nên ăn mỗi tuần ở từng nhóm tuổi

  • Cập nhật: 11/07/2023
  • Tác giả: 
Trẻ em nên tiêu thụ một quả trứng mỗi ngày, trong khi người trưởng thành có thể ăn nhiều hơn. Trứng chứa nhiều vitamin B9, sắt, protein và axit béo omega-3, giúp tăng trưởng tế bào, phát triển trí não và đáp ứng nhu cầu protein hàng ngày của trẻ.

Một người trưởng thành khỏe mạnh trung bình có thể ăn từ 1-3 quả trứng mỗi ngày. Việc này giúp tăng mức cholesterol HDL (cholesterol tốt) và giảm mức cholesterol LDL (cholesterol xấu), đảm bảo sức khỏe tim mạch. Trứng còn hỗ trợ hoạt động của não và tăng cường hệ miễn dịch.

Người cao tuổi, với sức khỏe ổn định, có thể ăn khoảng 7 quả trứng trong một tuần. Khi tuổi tác gia tăng, sức mạnh của xương giảm, và vitamin D trong trứng giúp cơ thể hấp thụ canxi để duy trì sức khỏe xương. Trứng cung cấp cả 13 loại vitamin và khoáng chất thiết yếu. Lòng đỏ trứng chứa lutein và zeaxanthin, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như đục thủy tinh thể và thoái hóa cơ.

Số lượng trứng nên ăn mỗi tuần ở từng nhóm tuổi

Tuy nhiên, cần lưu ý một số quan niệm không đúng về trứng:

- Trứng sống tốt hơn trứng chín: Ăn trứng sống có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, do nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella. Vì vậy, hấp trứng là giải pháp an toàn nhất.

- Trứng phải được bảo quản trong tủ lạnh: Trứng có thể được bảo quản trong tủ lạnh, nhưng không bắt buộc. Tuy nhiên, sau khi đã để trứng trong tủ lạnh, không nên để ở nhiệt độ phòng quá hai giờ, để tránh tình trạng đổ mồ hôi và hình thành mốc.

Thành phần dinh dưỡng của trứng

Trứng là một trong những thực phẩm bổ dưỡng nhất, cung cấp hầu hết các chất dinh dưỡng cần thiết. Một quả trứng luộc lớn chứa nhiều vitamin và khoáng chất, bao gồm vitamin A (8% nhu cầu hàng ngày), vitamin B2 (20%), vitamin B5 (14%), vitamin B9 (6%), vitamin B12 (23%), phospho (7%), và selen (28%), theo Healthline.

Ngoài ra, trứng cũng chứa một lượng nhất định vitamin D, vitamin E, canxi và kẽm. Một quả trứng lớn có khoảng 80 calo, 6g protein và 5g chất béo. Đặc biệt, trứng từ gà nuôi thả thường chứa nhiều hơn omega-3, vitamin A và E.

Mặc dù trứng có hàm lượng cholesterol cao (186mg), tuy nhiên, ảnh hưởng của cholesterol trong trứng đến mức cholesterol trong máu hoặc nguy cơ mắc bệnh tim chưa chắc đã xảy ra. Gan tự nhiên sản xuất một lượng lớn cholesterol mỗi ngày và có khả năng điều chỉnh mức cholesterol bằng cách điều chỉnh sản xuất. Phản ứng đối với việc ăn trứng khác nhau tùy từng người. Với 70% dân số, việc hấp thụ cholesterol qua ăn uống không làm tăng mức cholesterol trong máu hoặc chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, 30% dân số còn lại, việc tiêu thụ trứng hoặc các nguồn cung cấp cholesterol khác trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến tăng mức cholesterol trong máu.

Những người có rối loạn di truyền như tăng cholesterol máu gia đình hoặc mang biến thể gene APOE4 nên cân nhắc ăn trứng một cách điều độ.

Theo: Trung tâm y tế Cẩm Lệ